Bệnh gout được phát hiện từ năm 400 trước công nguyên, tuy nhiên mãi cuối thế kỷ XIX, Schelle, Bargman và Wollaston mới tìm thấy vai trò của acid uric trong nguyên nhân gây bệnh, do đó bệnh gout còn được gọi là viêm khớp do acid uric.

Bình thường lượng acid uric trong máu luôn được giữ ổn định ở nồng độ dưới 70mg/l (420 micromol/l) đối với nam; 60mg/l (360 micromol/l) đối với nữ và được giữ ở mức độ hằng định do có sự cân bằng giữa quá trình tổng hợp và đào thải chất này. Bất kỳ nguyên nhân nào làm mất cân bằng quá trình này (tăng tổng hợp hoặc giảm thải trừ) đều làm tăng acid uric trong máu.


1. Acid uric

• Là hợp chất C, N, O, H có công thức C5H4N4O3

•Dễ tạo thành muối urat: amoni urat, natri urat.

• Tan hạn chế trong nước. Môi trường kiềm làm tăng độ hòa tan acid uric và ngược lại môi trường acid làm giảm độ hòa tan acid uric.

• Trong cơ thể, acid uric được tạo thành do thoái giáng từ purin ngoại sinh (thức ăn) và purin nội sinh (do tế bào phân hủy). Tham gia vào quá trình hình thành acid uric có vai trò của các men: nuclease, xanthinoxydase, hypoxanthin - guanin - phosphoribosyl - transferase (H.G.P.T).

• Acid uric được bài tiết chủ yếu qua thận và phần còn lại bài tiết qua đường tiêu hóa và các con đường khác.

2. Các yếu tố làm tăng acid uric máu

a) Tăng sản xuất acid uric

• Tăng tạo acid uric bẩm sinh: Do các bất thường về enzym: thiếu hụt hoàn toàn hoặc một phần enzym hypoxanthine guanine phosphoribosyltransferase (HGPRT), hoặc do tăng hoạt tính của enzym phosphoribosylpyrophosphate (PRPP).

• Tăng tạo acid uric do tăng purin ngoại sinh: Thường xuyên ăn nhiều thức ăn có nhân purin (đặc biệt các thịt màu đỏ như chó, bò, dê, hải sản...); uống nhiều rượu.

• Tăng tạo acid uric trong bệnh lý hoặc dùng thuốc dẫn đến tăng hủy tế bào gặp trong bệnh đa u tuỷ xương, thiếu máu tan máu, bệnh bạch cầu (leucemie), dùng hóa chất gây độc tế bào trong điều trị ung thư; bệnh vẩy nến...

b) Giảm đào thải acid uric

• Nhóm suy giảm khả năng bài xuất acid uric ở ống thận tiên phát đa nguyên nhân, đặc biệt trong trường hợp ăn nhiều thức ăn chứa nhân purin, nghiện rượu. Loại này thường có tính chất gia đình, khởi phát thường do uống quá nhiều rượu. Đây là nhóm hay gặp nhất (90% các trường hợp).

• Giảm bài tiết acid uric do suy thận mạn tính

• Do máu nhiễm toan, làm giảm đào thải acid uric: tình trạng nhiễm toan ceton trong bệnh đái tháo đường.

• Giảm bài tiết acid uric do sử dụng thuốc: thường gặp là aspirin liều thấp; phenylbutazone liều thấp; đa số các thuốc lợi tiểu dùng kéo dài (trừ nhóm spironolactone) như thiazide, furosemide; thuốc điều trị lao như ethambutol, pyrazinamid; các thuốc acid ethacrynic, acid nicotinic...

Ý kiến phản hồi(0)
Ý kiến của bạn
Tin mới nhất
Tin cũ hơn
Lên đầu