Tăng acid uric máu
Nếu chỉ có tăng acid uric máu đơn thuần, không phải là bệnh Gout, đây chỉ là một tình trạng rối loạn chuyển hóa purine, làm tăng acid uric trong máu (trên 7mg% hay trên 420mmol/L) nhưng chưa gây bệnh. Tăng acid uric máu đơn thuần có tỷ lệ khá cao: từ 4- 14% dân số (tùy từng dân tộc, từng quốc gia). Tình trạng này có thể xuất hiện rất sớm, ngay lúc dậy thì. Đa số trường hợp, tình trạng này hoàn toàn không gây triệu chứng gì, thường chỉ được tình cờ phát hiện khi làm xét nghiệm.
Tăng acid uric máu được coi là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh Gout. Lượng acid uric máu càng cao, càng nhiều khả năng trở thành bệnh Gout.
Khoảng 5-10 % số người có tăng acid uric máu sẽ trở thành bệnh nhân Gout vào cuối thập niên thứ 3 trở đi (> 35 tuổi).
Ăn nhiều thức ăn chứa purine
Trên nhóm người có tăng acid uric máu, việc ăn nhiều thức ăn giàu purine sẽ làm tăng thêm tình trạng tăng acid uric máu sẵn có, thúc đẩy họ trở thành bệnh nhân Gout, làm nhanh tái phát các cơn Gout, khó kiểm soát bệnh và sớm trở thành Gout mạn.
Uống nhiều rượu
Việc uống nhiều rượu, rượu mạnh sẽ không những góp phần làm tăng thêm acid uric máu mà còn làm cho acid uric dễ dàng bị lắng đọng tại tổ chức, gây cơn Gout cấp, gây sỏi thận… Uống nhiều rượu còn ảnh hưởng tới gan, thận, dạ dày… tới các bệnh lý đi kèm như: tim mạch, huyết áp, rối loạn lipid máu.
Béo phì, cao huyết áp, rối loạn lipid máu
Các yếu tố này vừa là các yếu tố nguy cơ, vừa là các bệnh lý thường đi kèm với bệnh Gout. Nếu không được kiểm soát tốt, các yếu tố này gây ảnh hưởng xấu tới bệnh và ngược lại nếu các yếu tố này được điều chỉnh tốt sẽ góp phần làm bệnh Gout dễ điều trị hơn.
Ý kiến phản hồi(0)