Bệnh gút được phát hiện từ thời cổ đại. Ngày nay, bệnh gút đang được quan tâm nhiều hơn do sự gia tăng của bệnh. Thực phẩm và yếu tố gen đóng vai trò trong sinh bệnh học bệnh gút nguyên phát. Tăng các nguy cơ mắc bệnh tim mạch và sự thay đổi trong điều trị bệnh gút.


Bệnh gút được biết đến từ lâu đời. Tỷ lệ bệnh gút ngày một gia tăng ở cả các nước Âu Mỹ và nhiều nước khác như Nhật Bản, Trung Quốc và New Zeland. Tỷ lệ bệnh gút ở Anh và Đức năm 2000 - 2005 là 1,4% và ở Mỹ vào năm 1996 là 0,94%. Tỷ lệ bệnh gút trong dân cư của 5 thành phố lớn ở phía Tây Trung Quốc chiếm 1,14%. Trung Quốc là một nước có nền kinh tế phát triển, bệnh gút ở đây có sự liên quan đến béo phì, bệnh tăng huyết áp, mức độ tiêu thụ thịt, cá và rượu.


Ở nước ta, ngày nay bệnh rất thường gặp tại các phòng khám khớp và cơ sở điều trị bệnh xương khớp. Quanh năm, chúng ta đều gặp bệnh nhân gút nằm viện. Ở bệnh nhân gút mạn tính bệnh cảnh rất nặng nề: các khớp biến dạng, vận động rất khó khăn, các khớp đau nhiều vì viêm cấp của khớp, chất lượng sống bị giảm sút, chi phí điều trị tốn kém do phải điều trị các bệnh kèm theo như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, nhiễm khuẩn khớp, suy thận, viêm tụy...


Tần suất bệnh gút gia tăng do liên quan đến tuổi thọ trung bình tăng, sự thay đổi trong cách ăn uống và sự gia tăng bệnh tăng huyết áp. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy có mối liên quan giữa tăng huyết áp và tăng nồng độ axit uric máu và nguy cơ cao về nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân gút, đặc biệt sử dụng alcool nồng độ cao. Nguy cơ bệnh mạch vành tăng ở những người mắc bệnh gút. Nghiên cứu của Eswar Krishnan trên 12.866 nam giới, theo dõi trong vòng 6,5 năm có 118 bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp ở nhóm bệnh nhân gút (10,5%) và 990 bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp ở nhóm không bị bệnh gút (8,43%), tác giả thấy ở những bệnh nhân mắc bệnh gút có nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim cấp cao hơn những người không mắc bệnh gút. Bệnh gút sẽ nặng nề hơn khi mắc bệnh tim mạch phối hợp và nguy cơ tử vong rất cao. Ở miền núi, mùa hè nóng bức mất nhiều mồ hôi qua da làm giảm bài niệu, với bệnh nhân gút đây là yếu tố bất lợi. Thải axit uric chủ yếu qua con đường thận và một lượng nhỏ qua con đường tiêu hoá. Mùa đông, miền núi cao do nhiệt độ quá thấp, nhu cầu sử dụng rượu mạnh tăng lên là yếu tố làm tăng tổng hợp axit uric. Vì vậy, ở miền núi cao bệnh nhân gút luôn phải đề phòng cơn gút cấp và các biến chứng của bệnh tim mạch đi kèm.

Phần lớn bệnh nhân gút có nồng độ axit uric máu > 416,5 mmol/l. Khuyến cáo của Hội thấp khớp học châu Âu (EULAR) mục đích đạt được trong điều trị giảm axit uric < 360 mmol/l. Tăng axit uric máu chịu tác động của yếu tố gen và thực phẩm. Nghiên cứu ở Trung Quốc còn cho thấy, nam giới có mức tiêu thụ nhiều nước giải khát (soda) dẫn đến nguy cơ gút rất cao. Tăng insulin máu làm giảm bài tiết urat niệu và dẫn đến tăng axit uric. Sử dụng thực phẩm giàu chất purin, các loại rượu mạnh dẫn đến tăng sản xuất urat và tăng tổng hợp axit uric.

Điều trị bệnh gút cần chú ý đến điều trị các bệnh phối hợp. Tăng huyết áp nên ngừng sử dụng thuốc lợi tiểu và dùng losartan để điều trị tăng huyết áp. Bệnh nhân có tăng lipid máu nên có chế độ ăn hợp lý, kèm theo sử dụng thuốc thuộc nhóm fenofibrat hoặc atorvastatin. Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường giảm tăng tiết insulin máu, giảm axit uric và ngừng thuốc lá.

Ý kiến phản hồi(0)
Ý kiến của bạn
Tin mới nhất
Tin cũ hơn
Lên đầu